Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh chân núi Ngọc Linh.
Tràn lan Sâm Ngọc Linh giả
Được mùa Sâm Ngọc Linh…dỏm
Vài tháng trở lại đây, trên thị trường Gia Lai, Kon Tum Sâm Ngọc Linh được mua bán rộn ràng. Thấy rẻ lại dễ mua, có người mua 15-20 kg về phơi đầy sân. Không ít gia đình tranh thủ lúc giá thấp, mua làm quà cho người thân khắp trong Nam ngoài Bắc. Nhiều nhất là đưa sâm đi Hà Nội.
Lúc đầu sâm loại 20 củ/ kg giá khoảng 15 triệu đồng/kg, về sau còn 8 triệu rồi 6 triệu đồng/kg. Đầu tháng 6 vừa qua có người ở Kon Tum mua chỉ 3 triệu đồng/ kg rồi khi hay tin sâm giả, không ít đại lý bán tháo để thu hồi vốn.
Những người bán sâm này cho biết, vừa qua do lũ lụt nên nhiều vùng núi bị sạt, lộ ra vùng Sâm Ngọc Linh.
Người khác nói: Do Kon Tum đang làm đường qua vùng sâm nên dân thu được nhiều. Thực tế là có chuyện mưa lũ làm sạt nhiều ngọn núi ở Kon Tum nhưng việc đó xảy ra từ tháng 9-2009. Còn việc làm đường (Ngọc Hoàng-Măng Buk-Tu Mơ Rông- Ngọc Linh) lộ ra vùng sâm thì càng không thể xảy ra, bởi nếu có sâm ở đây thật thì những người khảo sát thiết kế con đường này đã lấy hết từ nhiều năm trước.
Giá Sâm Ngọc Linh cao chất ngất, khiến mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm người dân địa phương vào rừng tìm sâm. Một năm một người chỉ cần tìm được 1kg sâm là nuôi sống được cả gia đình, lấy đâu ra có nhiều sâm đến vậy.
Sâm Ngọc Linh thật giả khó lường
Công dụng của Sâm Ngọc Linh đã có quá nhiều đề tài khoa học nghiên cứu, nhiều sách báo phản ánh về tính năng đặc biệt của nó. Tuy nhiên, theo chúng tôi biết, từ nhiều năm qua không ít người bỏ tiền thật và lên tận những vùng núi cao của Kon Tum mua về thành đô đều là sâm giả.
Sâm Ngọc Linh thật rất giống sâm dỏm mà qua tìm hiểu, tra cứu chúng tôi vừa được biết đó là tam thất Vũ (ngũ) Điệp. Loài tam thất này sống ở vùng núi cao ở các tỉnh phía Bắc và Trung Quốc rất giống củ Sâm Ngọc Linh. Để tiêu thụ sản phẩm này, những nhà buôn mang nó vào Kon Tum, nơi có vùng Sâm Ngọc Linh tổ chức tiêu thụ. Giá củ tam thất khá rẻ.
Công nghệ làm giả từ tam thất Vũ Điệp thành Sâm Ngọc Linh rất tinh vi. Họ lấy củ tam thất mang về rồi lấy nước từ củ Sâm Ngọc Linh thật ngâm củ tam thất để chúng có mùi sâm. Tam thất ngâm sâm mang ra, hình dáng như thật, vị lại gần thật nên những người không chuyên chẳng thể biết đâu là thật, đâu là sâm dỏm.
Không ít người cảnh báo: Việc mua phải Sâm Ngọc Linh giả đôi khi tiền mất tật mang. Sâm dỏm xuất xứ ở đâu người mua không ai rõ, nhưng để bảo quản những củ như thế tươi lâu, người bán phải tiêm chất bảo quản. Ngay cả người khỏe ăn phải loại sâm ngâm chất bảo quản này tác hại cũng khôn lường.
Nguồn tham khảo:
- https://tienphong.vn/tran-lan-sam-ngoc-linh-gia-post503565.tpo
- http://www.kontum.gov.vn/tintuc/Lists/Posts/Post.aspx?List=2fa21aca-fe02-41ba-bc47-77d530847b32&ID=794